1. Kiến trúc xanh là gì?

Kiến trúc xanh (KTX) là một xu hướng thiết kế và thi công nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các công trình đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, xu hướng này còn hướng đến việc tạo ra một lối sống lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Đặc trưng của kiến trúc xanh là sự thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách hiệu quả trong suốt vòng đời của công trình, từ thiết kế, xây dựng, cải tạo, bảo trì, vận hành cho đến tháo dỡ.


Từ những năm 90, khái niệm "kiến trúc xanh" đã được hình thành và nhanh chóng trở thành một xu hướng phát triển của kiến trúc thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ mới trở nên phổ biến tại Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21.

2. Lợi ích của việc phát triển công trình kiến trúc xanh

Trước những tác động tiêu cực từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu toàn cầu, kiến trúc xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành kiến trúc và xây dựng thế giới. Phát triển các công trình kiến trúc xanh có thể mang lại nhiều lợi ích đa chiều cho môi trường, kinh tế và xã hội.

2.1. Lợi ích đối với môi trường

Các công trình kiến trúc xanh thường tập trung vào các giải pháp như sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, tiết kiệm nước, và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Ngoài ra, chúng còn tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đối với môi trường, bao gồm bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng không khí và nước, và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.



2.2. Lợi ích về kinh tế

Bên cạnh những tác động tích cực đến môi trường, xu hướng kiến trúc xanh còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể. Theo các chuyên gia của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WGBC), so với công trình xây dựng thông thường, các công trình kiến trúc xanh có thể:


- Giảm hơn 26% mức tiêu thụ năng lượng.

- Phát thải khí nhà kính ít hơn 33%.

- Tiết kiệm hơn 13% chi phí bảo trì hàng năm.


Những con số này cho thấy hiệu quả kinh tế từ việc giảm chi phí trong quá trình xây dựng và vận hành công trình. Hơn nữa, các công trình kiến trúc xanh còn có giá trị thương hiệu và tài sản cao hơn nhờ vào tính bền vững và khả năng thu hồi vốn nhanh hơn so với các công trình thông thường. Đây là mối quan tâm hàng đầu của các chủ đầu tư và người sử dụng hiện nay.

2.3. Lợi ích xã hội

Lợi ích xã hội của kiến trúc xanh được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau như:


- Tạo môi trường sống trong lành và thoải mái, nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Gia tăng số lượng tiện ích xanh trong không gian đô thị.

- Giảm thiểu các vấn đề sức khỏe như các bệnh về đường hô hấp (phổi, hen, dị ứng), căng thẳng thần kinh, nguy cơ đột quỵ, v.v.

- Tạo ra các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.

- Xây dựng một cộng đồng dân cư văn minh, có ý thức cao về bảo vệ môi trường.


3. Các xu hướng kiến trúc xanh nổi bật hiện nay

Quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh chóng dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng và tài nguyên ngày càng tăng cao. Kéo theo đó là các vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi các giải pháp chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, kiến trúc xanh là một trong những giải pháp nổi bật, được phát triển thành nhiều xu hướng đa dạng, bao gồm; 

  • Kiến trúc sinh thái (Ecologic Architecture)
  • Kiến trúc sinh – khí hậu (Bioclimatic Architecture)
  • Kiến trúc hiệu quả năng lượng (Energy-Efficient Building)
  • Kiến trúc môi trường (Environmental Architecture)

Mặc dù mỗi xu hướng đều có mục tiêu khác nhau nhưng vẫn có những điểm tương đồng và tính liên quan chặt chẽ.



4. Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc xanh

Để góp phần thúc đẩy và tạo lập môi trường – cảnh quan kiến trúc bền vững, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ban hành hệ thống “Tiêu chí Kiến trúc Xanh Việt Nam”. Trong đó bao gồm 5 tiêu chí đánh giá chính sau đây:

4.1. Địa điểm bền vững

Hạng mục này tập trung vào việc tạo lập cảnh quan kiến trúc hài hòa và bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực của công trình đến môi trường tự nhiên. Đồng thời cũng khuyến khích phát huy các yếu tố có lợi cho môi trường sống của con người. Theo đó, các công trình xây dựng cần đáp ứng những nội dung đánh giá như sau:

  • Địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch, thuận tiện cho giao thông và gần các tiện ích.
  • Bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên, có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.
  • Giải pháp kiến trúc phải thích ứng được với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai hiệu quả.
  • Không gian kiến trúc hài hòa với cảnh quan tự nhiên.
  • Có biện pháp phục hồi, nâng cao giá trị môi trường cảnh quan tự nhiên.

4.2. Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả

Các công trình kiến trúc xanh được khuyến khích sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách hiệu quả. Điều này không chỉ nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên mà còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành công trình. Một số giải pháp có thể được áp dụng hiệu quả như:

  • Sử dụng hợp lý diện tích đất đai trong xây dựng, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
  • Giảm thiểu mức sử dụng năng lượng, tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên và tái tạo.
  • Sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên có lợi cho sức khỏe.
  • Tiết kiệm tài nguyên nước sạch, thu gom và tái sử dụng nước mưa.
  • Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người.

4.3. Chất lượng môi trường trong nhà

Tiêu chí này tập trung vào việc đánh giá chất lượng môi trường bên trong công trình. Trong đó bao gồm các yếu tố như:

  • Cách tổ chức không gian trong nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư.
  • Giải pháp thiết kế mặt ngoài công trình giảm thiểu được các tác động từ bức xạ nhiệt, ánh sáng, mưa, gió,…
  • Vật liệu và nội thất có chất lượng đảm bảo, an toàn với sức khỏe người dùng.
  • Không khí trong nhà không chứa các chất độc hại hay ô nhiễm.
  • Đảm bảo mức ồn trong nhà thấp hơn giới hạn cho phép.
  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên, đảm bảo độ chiếu sáng phù hợp.

4.4. Kiến trúc tiên tiến, bản sắc

Không chỉ chú trọng đến các vấn đề về môi trường, để kiến trúc xanh thực sự đi vào thực tế thì còn cần quan tâm đến yếu tố bản sắc văn hóa địa phương. Việc đáp ứng được các yếu tố về văn hóa và tập quán sinh hoạt sẽ là cơ sở để có được sự đồng thuận và cam kết của cộng đồng. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc lan tỏa các giải pháp kiến trúc xanh. 

4.5. Tính xã hội – nhân văn bền vững

Phát triển kiến trúc xanh phải gắn liền với mục tiêu xây dựng môi trường xã hội – nhân văn bền vững. Điều này đồng nghĩa, các công trình KTX phải đảm bảo sự hòa nhập với truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó cũng góp phần tạo lập sự ổn định và phát triển bền vững về kinh tế – xã hội địa phương. 


Kiến trúc xanh không phải là giải pháp dành riêng cho một quốc gia nào mà là hướng đi chung góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển xu hướng kiến trúc xanh được xem là trách nhiệm mọi quốc gia nhằm hướng đến một tương lai bền vững.